Cảm nhận của em về Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát
Cao Bá Quát là một con người có tài năng có bản lĩnh hơn người, được người đời tôn thờ là Thánh Quát. Thơ văn của ông phong phú trong nội dung cảm hứng: “tình cảm thiết tha gắn bó với quê hương xứ sở, với người thân, sự đồng cảm nhân ái với những con người lao khổ; niềm tự hào với quá khứ lịch sử dân tộc và có thái độ phê phán mạnh mẽ đối với triều chính đương thời”. Bài thơ “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” thể hiện cái nhìn và phản ánh tâm tư, tình cảm của thi nhân trước thời cuộc cho thấy một nhân cách và tâm hồn cao đẹp của ông Quát.
Cao Bá Quát sống ở cuối thế kỉ XIX khi triều đình nhà Nguyễn đang rơi vào sự khủng hoảng trầm trọng. Cũng như bao sĩ tử khác ông chọn con đường học vấn và làm quan để mong mỏi một lòng phụng sự Tổ quốc nhưng trước bối cảnh thời đại bấy giờ điều đó thật gian nan vô cùng. Bài thơ được sáng tác khi Cao Bá Quát đỗ cử nhân năm 1831 tại trường thi Hà Nội. Sau đó nhiều lần ông vào kinh đô Huế đi thi nhưng không đỗ. “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” có thể được hình thành trong những lần Cao Bá Quát đi thi hội ấy, qua các tỉnh miền Trung đầy cát trắng mênh mông mà viết nên những câu thơ tỏ chí. Nhưng lại có ý kiến của giáo sư Vũ Khiêm cho rằng bài thơ này được viết khi họ Cao làm quan cho nhà Nguyễn và bắt đầu cảm thấy chán nản, bế tắc. Dù là ra đời trong hoàn cảnh nào thì ta cũng thấy hiện lên trong bài thơ là hình ảnh của một con người chán chường, thất vọng, không tìm ra lối thoát trong cuộc đời.
Con người với những bước đi khó khăn, trầy trật trên sa mạc được tái hiện qua bốn câu thơ đầu:
“Trường sa phục Trường sa
Nhất bộ nhất hồi khước
Nhật nhập hành vị dĩ
Khách tử lệ giao lạc”
Lữ khách cô đơn, nhỏ bé với những bước đi mệt mỏi như dậm chân tại chỗ “đi một bước như lùi một bước” giữa sa mạc cát bao la rộng lớn, không định hướng được lối ra. Dù cho mặt trời đã lặn nhưng đôi chân ấy vẫn chưa dừng lại, vẫn miệt mài đi trong “nước mắt rơi”. Hai hình ảnh con đường cát và con người ở đây vừa mang tính hiện thực vừa mang tính biểu trưng. Ai đã từng đi trên cát thì cũng hiểu cảm giác đôi chân bị nhấn sâu, bị giữ lại bởi những hạt cát li ti. Con đường ấy cũng mang ý nghĩa cho con đường công danh, hoạn lộ quan trường của tác giả nó khó khăn, thử thách vô cùng. Con người trong cuộc hành trình này là một kẻ cô độc đi tìm cho mình chân lí, mục đích đích thực giữa cuộc đời mờ mịt, không xác định. Câu thơ ngũ ngôn với điệp ngữ và tương phản đã làm nổi bật hình ảnh con người cực nhọc, mệt mỏi, lầm lũi đi trên con đường cát trắng mênh mông ở các tỉnh miền Trung_những nơi tác giả đi qua khi vào Huế dự thi.
Tâm trạng của nhà thơ trước thực tại tự oán, tự giận mình sao phải hành hạ bản thân vì con đường công danh mà dấn thân vào “đăng sơn” (trèo non), “thiệp thủy” (lội suối) để mà phải “oán hà cùng” (giận khôn vơi). Ông tái hiện lại hiện thực xã hội với danh lợi bủa vây những con người bon chen, tranh giành nhau “mĩ tửu” để khiến “tỉnh giả thường thiểu túy giả đồng”. Thật sắc sảo trong cách nhìn và tỉnh táo trong cách phán xét, nhà thơ chua xót nhận ra “người say vô số tỉnh bao người” thì ra danh lợi cũng giống như một thứ rượu ngon khiến cho người ta say ngây ngất, khiến cho bao người theo đuổi.
Sự chán ghét thời thế để rồi thi sĩ phải băn khoăn, trăn trở về con đường mà mình đang bước đi:
“Trường sa trường sa nại cừ hà?
Thản lộ mang mang úy lộ đa”
Trong bản dịch cấu trúc “nại… hà” (làm thế nào) không được dịch sát văn bản nguyên tác chữ Hán. Đây là một câu hỏi “bãi cát dài, bãi cát dài, biết tính sao đây?” thể hiện sự bế tắc của một nhà Nho yêu nước muốn cống hiến cho đời nhưng hiện thực xã hội lại không cho phép. Nhà thơ băn khoăn khi đi tìm con đường chân lí không biết nên dừng lại hay đi tiếp vì “đường bằng mờ mịt”, “đường ghê sợ còn nhiều, đâu ít?”
Trong xã hội đương thời với sự mục ruỗng của chế độ đâu phải con người ta cứ có tài có chí sẽ làm nên công trạng, sẽ được công thành danh toại. Một con người nổi tiếng học rộng tài cao nhưng lận đận khoa cử, bị đánh trượt bao lần có lúc ông đã từng than “Trượng phu ba mươi tuổi, chẳng nên danh gì”. Để rồi người trí sĩ ấy sau một hồi suy tư, trăn trở ông quyết chọn cho mình một con đường đúng đắn bỏ lại con đường công danh, đi tìm cho mình giá trị cuộc sống đích thực:
“Thính ngã nhất xướng cùng đồ ca
Bắc sơn chi bắc sơn vạn điệp
Nam sơn chi nam ba vạn cấp
Quân hồ vi hồ sa thượng lập?”
Lữ khách lúc này chỉ còn biết cất lên khúc hát “đường cùng” mà quyết định “Anh đứng làm chi trên bãi cát?”nhà thơ hỏi ai? Ông đang tự hỏi chính mính sao nhận ra sự chán chường khoa cử nhưng vẫn để mình bị cuốn vào vòng xoáy, không thoát khỏi được quy luật của xã hội. Tư tưởng và nhân cách cao rộng của Cao Bá Quát là ở đây, tác giả hiểu được sự vô nghĩa của con đường công danh. Ông nhận ra những chân lí, lí tưởng mà bấy lâu nay ông dấn thân, theo đuổi trở nên vô ích. Ông coi thường danh lợi, ông khinh miệt những kẻ say mà không biết tỉnh. Một đời ông muốn cống hiến tài năng của mình cho đất nước nhưng ông đã nhận ra rằng con đường làm quan để gúp đời luôn không được như mong muốn.
Bài thơ được viết theo thể hành ca, một thể thơ cổ của Trung Hoa được du nhập vào Việt Nam. Chúng ta có thể nhắc đến một số bài thơ cùng thể loại như “Phóng cuồng ca”của Trần Tung, “Côn Sơn ca” của Nguyễn Trãi hay “Long thành cầm giả ca” của Nguyễn Du. “Sa hành đoản ca” với những câu thơ dài ngắn linh hoạt, vần thơ, nhịp thơ không gò bó mà phóng túng, con người có khi được miêu tả như một khách thể, khi lại là người đối thoại, chủ thể khi ẩn khi hiện thể hiện được những tâm trạng, cảm xúc khác nhau trước những hòan cảnh khác nhau của thi sĩ.
“Bài ca ngắn đi trên bãi cát” với những nét độc đáo riêng đã bộc lộ sự chán ghét thực tại xã hội phong kiến đương thời của cụ Quát đồng thời cũng cho thấy “tâm hồn phóng khoáng và một trí tuệ sáng suốt tiếp nhận những hương vị, những màu sắc mới lạ khác với cái nhìn truyền thống” của thi nhân họ Cao.
Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi