Phân tích tổng quát truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng (1970) của Nguyễn Minh Châu

0

Contents

A- NHỮNG Ý CHÍNH CẦN CÓ

1) Nhan đề truyện.

2) Hình ảnh thiên nhiên trong chiến tranh với vẻ đẹp huyền ảo của trăng, bầu trời và con đường.

3. Nhân vật giàu tính lí tưởng (Nguyệt: điểm nhìn nghệ thuật, ngôn ngữ đối thoại, vẻ đẹp ngoại hình, say mê lí tưởng, chiến đấu dũng cảm; Lãm…).

B- GỢl Ý THAM KHẢO

1. MỞ BÀI

Mảnh trăng cuối rừng được in trong tập Những vùng trời khác nhau, một tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Minh Châu trong thời chống Mĩ – là một thiên truyện có nhiều lớp nghĩa. Đây là một truyện ngắn tiêu biểu cho đặc điểm bút pháp của văn học Việt Nam trước năm 1975: miêu tả các nhân vạt giàu tính lí tưởng, thể hiện cái nhìn lãng mạn trong sáng, đầy chất thơ về con người và đời sống chiến tranh. Mảnh trăng cuối rừng chính là sự cụ thể hóa ước nguyện nhiệt thành của Nguyễn Minh Châu là “gắng đi tìm cai hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người” – vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng hiện thân trong nhân cách và hành động của những con người như Nguyệt, Lãm. Đó là vẻ đẹp mà chiến tranh tàn khốc không thể hủy diệt được; trái lại, qua thử thách nó càng tỏa sáng rực rỡ hơn…

2. THÂN BÀI

1. Nhan đề truyện

+ Không phải ngẫu nhiên mà ban đầu Nguyễn Minh Châu đặt tên truyện ngắn này là Mảnli trăng, sau đó khi tái bản nhà văn lại thêm vào hai chữ “cuối rừng”. Hình ảnh vầng trăng chập chờn ẩn hiện cuối rừng được miêu tả trong truyện vừa là một hình ảnh của thiên nhiên, vừa là nền cho câu chuyện vừa gợi niềm khao khát tìm kiếm cái đẹp. Trăng khiến người đọc liên tưởng tới tên nhân vật chính của truyện là Nguyệt, Nguyệt nghĩa của từ Hán Việt có nghĩa là trăng. Cũng như ánh trăng lung linh tỏa sáng, ẩn hiện, vẻ đẹp tâm hồn, tính cách của người nữ thanh niên xung phong trong rừng sâu ấy không phải ngay một lúc mà người ta dễ dàng nhận ra tất cả. (Hình ảnh ánh trăng).

+ Suy đến cùng, ở ý nghĩa sâu xa nhất có thể hiểu: nếu Nguyệt là vẻ đẹp dễ rung động mà anh lính lái xe Lãm đang hướng tới thì mảnh trăng ở cuối rừng kia chính là biểu tượng cho niềm khao khát hi vọng của những con người thời chống Mĩ về cuộc sống ngày mai hạnh phúc, thanh bình.

Ý nghĩa: Nguyệt – Lãm

Trăng (biểu tượng) hướng tới của dân tộc ta thời chống Mĩ (đầu súng trăng treo).

2. Thiên nhiên chiến tranh mang vẻ đẹp huyền ảo

+ Câu chuyện tình yêu của Lãm và Nguyệt đã lãng mạn, mơ mộng lại được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên rất huyền ảo của thời chiến tranh. Thi vị hóa tình yêu, thị vị hóa cuộc sống chiến tranh.

– Trước hết đấy là ánh trăng của một đêm cụ thể bao phủ khắp cánh rừng trên con đường ra trận.

Ở đây, Nguyễn Minh Châu đã đặt mình vào vị trí của anh lái xe mà quan sát. Do đó khi xe chuyển bánh, từ dưới thấp nhìn lên cao, ánh trăng được tả thực rất sống động: “Qua tấm kính ướt hơi sương, mảnh trăng nằm giữa những tầng mây hiện ra tái ngắt, ánh sáng lòe nhòe, mỗi lúc xe nẩy lên hay vòng qua chỗ lượn, mảnh trăng lại chập chờn lay động”.

Băng cái nhìn của một người đang yêu như Lãm, ánh trăng ấy được cảm nhận rất đẹp, ngay cả con đường trước mặt đầy hố bom và ổ gà gập ghềnh cũng như được “thếp từng mảnh ánh trăng”. Trăng đẹp như một ảo ảnh, nhất là khi Lãm đang cho xe chạy “bỗng đạp phanh cho xe đi chậm lại” vì anh chợt nhận thấy ánh đèn pháo sáng ấy chính là trăng.

Thực ra trăng đã có từ khi Lãm cho xe chạy nhưng anh không nhận thấy: “Từ đầu hôm tôi vẫn đi giữa đêm trăng mà không biết”. Câu nói ấy bao hàm cả ý: anh thấy trăng đẹp vì bên cạnh đang có một vâng trăng là Nguyệt.

Ánh trăng đã đẹp hơn lên rất nhiều khi nó hiện ra làm ngời lên vẻ đẹp của người con gái: “Mảnh trăng khuyết đứng yên ở cuối trời, trăng như một mảnh bạc, khung cửa xe phía cô gái ngồi lồng đầy ánh trăng”. Có thể nói ánh trăng đã làm cho hiện thực chiến tranh bớt đi vẻ dữ dội, ác liệt đồng thời cũng làm tăng thêm phần mơ mộng, đây chất thơ cho thiên truyện.

Cùng với vẻ đẹp huyền ảo của ánh trăng là vẻ đẹp yên tĩnh và sâu thẳm của bầu trời đêm: “Khoảng gần khuya, trên các chỏm rừng, gió tây nam cuốn mây xám về một góc rồi thổi dạt đi… Khoảng trời đêm trên cao trở nền trong vắt… Trong khoảng sâu thẳm nổi lên như một tiếng chim mơ hồ”.

Nhưng trên mặt đất, con đường lại chìm trong màn sương trắng mờ, khiến người ta có cảm giác như đang đi trong trạng thái nửa như thực, nửa như mơ: “Xe tôi chạy trên lớp sương bồng bềnh”.

+ Cách diễn ý nói trên là cách thức miêu tả của bút pháp lãng mạn, đầy vẻ mơ hồ và ảo ảnh, hoàn toàn khác với bút pháp hiện thực chính xác, cụ thể đến từng chi tiết.

Đáng chú ý là cả ánh trăng, bầu trời và con đường đã tạo thành một không gian nghệ thuật độc đáo làm tăng thêm vẻ đẹp vốn có của các nhân vật. Khó có ai có thể ngờ đây là khung cảnh của núi rừng Trường Sơn trong chiến tranh tàn khốc, nơi tai họa và cái chết có thể ập tới bất cứ lúc nào.

Đặt trong sự đối lập tương phản như vậy, tác giả muốn nhấn mạnh vào ý tưởng: cái đẹp của thiên nhiên, của con người cũng là một sức mạnh kì diệu, bất chấp mọi sự tàn phá, hủy diệt để tồn tại, vươn lên và tỏa sáng.

3. Các nhân vật giàu tính lí tưởng

a) Nhân vật Nguyệt

+ Tỏa sáng nhất trong truyện ngắn này là vẻ đẹp lãng mạn của nhân vật Nguyệt. Vẻ đẹp ấy hiện ra dần qua cách nhìn, lời kể và sự yêu mến cảm phục của Lãm. Đây là hình ảnh người yêu hiện lên trong tâm tưởng của người yêu với những chi tiết, những sự kiện đã được lựa chọn và lưu giữ trong trí nhớ, trong hồi tưởng của một người đang yêu. Từ điểm nhìn nghệ thuật này, tác giả đã khắc họa rõ nét hơn những vẻ đẹp giàu tính lí tưởng của nhân vật Nguyệt.

+ Ở phần đầu của truyện, tác giả kể chuyện Lãm tình cờ gặp Nguyệt trong một tình huống hoàn toàn ngẫu nhiên. Trước đó hai người chưa hề gặp nhau, dù đã có chuyện mai mối của chị Tính (chị gái của Lãm, người từng cùng làm trong tổ đá với Nguyệt trên công trường cầu Đá, Xanh). Trên đường đến gặp người yêu, Nguyệt phải đi nhờ xe của Lãm. Ân tượng ban đầu của Lãm về một người con gái chưa rõ mặt đang ngồi trong thùng xe là không mấy thiện cảm. Anh tỏ ra khó chịu vì có người đi nhờ nên xe anh xuất bến muộn, giao hàng muộn. Anh càng khó chịu hơn khi hình dung ra một cảnh tượng quen thuộc: “Một bên là cái vẻ nũng nịu của một cô nàng ôm chiếc nón trắng đứng sát cửa xe, một bên là những câu hỏi ỡm ờ của anh tài phụ”. Tiếp đó là những câu đối đáp giữa hai người. Chỉ qua một vài câu đối thoại của cô gái và chàng trai: “Tôi đây!”, “Đàn ông, hay đàn bà”, “Em đi thăm người yêu đẩy!”, người đọc đã hình dung ra những nét tính cách lãng mạn, bướng bỉnh, pha chút tinh nghịch của Nguyệt. Điều đó khiến cho Lãm “trong bụng củng phát hoảng lên vì cái cách con gái đối đáp mạnh dạn dường ấy”. Nhưng anh vẫn kịp nhận thấy “tiếng nói trong lắm và rất bình tĩnh, cứng cỏi nữa là khác”.

Tác giả còn khắc họa vẻ đẹp của nhân vật Nguyệt qua ngoại hình. Khi xe dừng lại để sửa chữa dưới gầm xe trong ánh sáng của ngọn đèn gầm hắt xuống mặt đường, Lãm nhìn thấy đôi gót chân bóng hồng sạch sẽ, đôi dép cao su cũng sạch sẽ và anh cảm thấy khá ngạc nhiên về một vẻ đẹp hiếm có nơi chiến trường. Đưa nhân vật tới gần rồi lại đẩy ra xa như thế là cách miêu tả thường gặp trong bút pháp lãng mạn.

Không những thế, để nêu bật vẻ đẹp ngoại hình của Nguyệt, Nguyễn Minh Châu còn sử dụng thủ pháp tương phản: Nếu sự dữ dọi của chiến tranh hiện rõ qua hình ảnh “đoàn xe xích lao đi ầm ầm”, nếu các cô gái công trường “thường thấp và đẫy đà” thì trong cảm nhận của Lãm, cô gái đi nhờ xe lại có một vẻ đẹp giản dị như sương núi tỏa ra từ nét mặt và tấm thân mảnh dẻ. vẻ đẹp thanh thoát của cô còn toát lên từ chiếc áo xanh chít hông vừa khít, mái tóc dày tết thành hai dải, chiếc làn và chiếc nón mới khoác ở cánh tay một cách nhẹ nhàng. Đến khi Lãm biết tên cô và mời cô lên ngồi trên ca bin thì ánh trăng đã lan tỏa tới Nguyệt, tạo thành một vẻ đẹp huyền ảo: “Trăng sáng soi vào khuôn mặt Nguyệt làm cho khuôn mặt tươi mát ngời lên vẻ đẹp lạ thường. Đấy là một trong những giây phút kì diệu của chiến tranh, Lãm đột ngột nhận thấy ở Nguyệt sự hài hòa giữa vẻ đẹp ngoại hình và tâm hồn… anh choáng ngợp như vừa trông vào ảo ảnh” và bỗng nhiên Lãm có một niềm tin vô cớ, tin chắc cô gái ấy là người yêu của anh.

Ở phần sau của truyện, khi chiếc xe gặp nhiều thử thách nguy hiểm (đường đi ngày càng xấu, đêm tối, qua ngầm máy bay giặc ném bom…) hình ảnh Nguyệt càng sáng lên vẻ đẹp đẽ qua những hành động chiến đấu dũng cảm, rất bình tinh, tự tin, có tính đồng đội cao cả. Từ vị trí của một người đi nhờ xe, Nguyệt đã nhanh chóng trở thành một người bạn đồng hành đáng tin cậy của Lãm trong việc điều khiển xe đi đúng con đường trong rừng đêm âm u, “có đoạn bánh trước sụt xuống sâu quá Nguyệt phải xi nhan cho tôi kéo xe lên”. Tới chỗ phải xuống xe, cô vẫn ở lại cùng Lãm chịu được mọi nguy hiểm chỉ với một ý nghĩa giản dị “anh đã cho em đi nhờ xe, đến lúc khó khăn lại bỏ anh ư”. Chính trong chớp lửa của đạn bom, người con gái mảnh dẻ, xinh đẹp ấy đã trở thành một người bình tĩnh, quả quyết, sáng suốt, biết hi sinh vì đồng dội, cô lội xuống nước làm hoa tiêu cột dây cho xe vượt suối băng ngầm; cô như là nơi ẩn nấp an toàn cho Lãm, lấy thân mình che cho anh khi máy bay giặc bắn phá. Nguyệt đã chỉ dân Lam vượt qua mọi nguy hiểm, bằng sự chủ động và từng trải của một người đã quá quen với tuyến đường ác liệt này. Đến đoạn đường khó đi nhất mặc cho máy bay giặc đang quần thảo trên đầu, Nguyệt “vẫn nhảy xuống di dò trước cho Lãm lái xe theo, ngay cả khi bị thương “máu chảy xuống đỏ cả cánh tay” Nguyệt vẫn rất bình tĩnh và tỉnh táo. Tất cả những điều ấy khiến cho Lãm vô cùng xúc động “thú thực trong lòng tôi lúc ấy dấy lên một tình yêu Nguyệt gần như mê muội lẫn cảm phục”.

+ Nhân vật Nguyệt hiện lên đẹp nhất là trong chiều sâu của vẻ đẹp tâm hồn của tinh yêu. Trong mấy năm đi mở đường ở miền Tây Trường Sơn Nguyệt đã thầm yêu và tự nguyện đính ước với một người con trai mà cô chứa hề gặp mặt, mới chỉ biết người ấy qua những lời kể của chị Tính và qua những bức thư mà Lãm gửi cho chị gái của mình, trong đó Lãm thường viết thêm đôi câu hỏi thăm Nguyệt, ngụ ý hứa hẹn sẽ gặp Nguyệt. Có lẽ trong sự hình dung của cô, Lãm là một người sống có lí tưởng, có tâm hồn đẹp. Vậy mà ở nơi đạn bom ác liệt, nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh, lại đã qua mấy năm, có bao nhiêu người dạm hỏi, Nguyệt vẫn thủy chung với người yêu của mình. Tình yêu ấy thật lãng mạn, trong sáng nhưng cũng thật bền vững, không hề bị lay chuyển bởi những ngày dài chờ đợi và sự tàn khốc của chiến tranh: chỉ cần một lời nhắn của chị Tính, Nguyệt đã tranh thủ ngày nghỉ của mình đi nhờ xe vượt qua những chặng đường vất vả, ác liệt tới nơi hẹn gặp người yêu. Có thể nói niềm tin vào cuộc sống là cơ sở vững chắc cho tình yêu của Nguyệt – cô tin vào những người tốt đẹp như Lãm, tin vào những điều kì diệu của cuộc đời. Chính vì thế khi chia tay Nguyệt, Lãm không chỉ bàng hoàng trước vẻ đẹp “khuôn mặt lộng lẫy đầy ánh trăng” mà anh càng thêm xúc động: “trong tâm hồn người con gái nhỏ bé tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, cái sợi chỉ óng ánh ấy, bao nhiêu bom đạn dội xuống cũng không hề đứt, không thể nào tàn phá nổi ư?. Điều đó càng có ý nghĩa hơn khi được đặt trong sự tương phản với hình ảnh “chiếc cầu bị cắt làm đôi như một nhát rìu phang rất ngọt”. Từ đó tất yếu một cảm nghĩ sâu xa sẽ được gợi lên, chiến tranh có thể bị tàn phá, hủy diệt mọi thứ, kể cả những gì thật kiên cố nhưng nó hoàn toàn bất lực trước vẻ đẹp của tình yêu, của tâm hồn con người.

b) Nhân vật Lãm

+ Tuy Lãm không tự kể gì về mình nhưng các chi tiết trong thiên truyện cũng cho ta thấy anh rất xứng đáng với niềm tin trong sáng và tình yêu thủy chung của Nguyệt. Nếu Nguyệt tiêu biểu cho những người phụ nữ thời chống Mĩ thì Lãm cũng là hình ảnh tiêu biểu cho cả một thế hệ thanh niên rất say mè lí tưởng và chiến đấu gan góc, dũng cảm. Theo suy nghĩ của anh, con đường ra trận là con đường duy nhất có thể đem lại cho đất nước cuộc sống độc lập, tự do, hạnh phúc, thanh bình. Vì thế anh đã trốn nhà đi tuyển bộ đội rồi “được giao nhiệm vụ lái xe chở hàng vào tiền tuyến, suốt mùa khô sang mùa mưa con người như đã gắn chặt vào buồng lái. Anh luôn tận tụy, có trách nhiệm với công việc của mình. Khi anh lái phụ đưa xe lên quá chậm, Lãm rất lo lắng: “trời tối càng lâu, nỗi sốt ruột của anh càng tăng”. Khi máy bay bắn phá, xe bốc cháy, Lãm bất chấp mọi nguy hiểm, hi sinh dũng cảm xông ra cứu hàng, cứu xe dập lửa, trèo lên nổ máy.

+ Trong tình yêu, Lãm cũng là một người ý nhị và sâu sắc. Đáp lại những câu hỏi đầy hàm ý của Nguyệt: “Các anh lái xe đi nhiều nơi, chắc quen biết nhiều người lắm”, Lãm trả lời bóng gió, xa xôi nhưng lại chứng tỏ được tính cách đúng mực và tình yêu chung thủy của mình: “Đời lái xe chúng tôi, nay rừng này, mai suối kia nhưng suốt tháng này sang tháng khác vẫn chỉ làm bạn với đường, với trăng thôi”. Anh vô cùng cảm động trước tình yêu và hạnh phúc mà Nguyệt dành cho anh, mong mỏi được gặp cô. Lòng anh đã “rối như tơ vò” khi biết tin một trong ba cô Nguyệt đã hi sinh. Tuy chưa gặp được Nguyệt theo lời hẹn trong thư của chị Tính nhưng anh đã ngẫu nhiên được đi cùng với cô trên một đoạn đường chiến tranh, đã cảm nhận được ở cô biết bao vẻ đẹp, do đó khi hai người chia tay nhau, anh lên xe “phóng như bay về phía tiền tuyến với tâm trạng vui sướng và rộn ràng”.

3. KẾT BÀI

Cho dù có người nhận xét Mảnh trăng cuối rừng đã phần nào thi vị hóa chiến tranh và các nhân vật của Nguyễn Minh Châu quá hoàn thiện đến mức giống như được “tắm rửa sạch sẽ”, như được “bao bọc trong một bầu không khí vô trùng”, chúng ta vẫn thấy rõ truyện ngắn này đã đạt được những thành công không thể phủ nhận. Những nhân vật như Nguyệt và Lãm chính là hình ảnh con người Việt Nam thời chống Mĩ, những con người đã phải đối mặt với sự tàn khốc của chiến tranh, vượt lên bao nhiêu đau khổ mất mát, hi sinh để yêu thương nhau bằng một tình người dung dị và cao thượng, vẻ đẹp của tình người, tình yêu ấy cũng chính là vẻ đẹp trong cuộc sống của một dân tộc, một đất nước anh hùng thời chiến tranh.

Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi

Leave a comment