Phân tích tâm trạng các nhân vật trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia
Đề bài: Phân tích tâm trạng các nhân vật trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia của Vũ Trọng Phụng.
Bài văn mẫu
Số đỏ được đánh giá là tác phẩm xuất sắc nhất của Vũ Trọng Phụng cũng như của văn học trào phúng Việt Nam hiện đại. Tính chất trào phúng đó không chỉ thể hiện ở ngôn ngữ, giọng điệu, tình huống mà còn được bộ lộ trực tiếp, sắc nét nhất qua chân dung từng nhân vật trong tác phẩm trong đoạn trích Hạnh phúc một tang gia.
Câu chuyện bắt đầu bằng cái chết của một người ông già – cụ cố tổ. Đó là người ông, người cha, người bạn đáng kính của một gia đình thượng lưu. Những tưởng cái chết đó sẽ gây nên niềm đau xót khôn nguôi trong lòng người ở lại. Nhưng không, cái chết của cụ cố tổ lại là niềm vui, niềm hạnh phúc tột cùng của tất cả đám con cháu. Bởi bản di chúc ở trên giấy nay đã được đi vào thực thi, bọn họ sẽ nhận được những gia sản kếch xù. Chính trong lúc tang gia bối rối, họ mỗi người nhao nhao lên theo một cách khác nhau, trưng diện một bộ mặt khác nhau để thể hiện lòng đau xót trong hạnh phúc tột cùng của mình.
Cụ cố Hồng, nhắm mắt mơ màng khi nghĩ đến giây phút mình mặc bộ đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa kho vừa khó mếu, để cho thiên hạ chỉ trỏ: Úi kìa, con giai nhớn đã già đến thế kia kìa. Đây chính là cơ hội để cụ cố Hồng được diễn trò trước đám đông, là cơ hội để thể hiện lòng hiếu thảo với cha mình thông qua việc tổ chức một đám ma thật to. Ông Văn Minh: Niềm vui riêng hòa lẫn niềm vui chung. Niềm vui của ông Văn Minh là biểu hiện cao độ cho niềm vui của cả gia đình: nóng lòng đợi luật sư đến để thực tế chia gia tài. Ông Văn Minh còn được Vũ Trọng Phụng miêu tả chi tiết đăm chiêu, vò đầu bứt tóc nhưng thực tế là đang không biết xử trí với Xuân tóc đỏ thế nào cho phải chứ không phải là lo lắng cho việc tổ chức đám tang của cụ cố tổ. Còn với bà Văn Minh vợ ông lại sung sướng khi được mặc bộ đồ xô gai tân thời, bà vui vẻ ra mặt, vì những mẫu đồ tân thời mới nhất bà sẽ nhân dịp này mà tung ra thị trường, biến đám tang thành nơi trình diễn, công bố bộ sưu tập mới nhất.
Ông phán mọc sừng, sung sướng, hả hê khi biết giá trị đôi sưng trên đầu mình, vì có nó mà ông sẽ được hưởng thêm một phần gia sản không nhỏ. Số tiền đó là đền bù cho danh dự của ông. Trong đám tang tiếng khóc Hứt ! Hứt của ông Phán mọc sừng liên tiếp được vang lên, ông khóc oắt người đi, đến nỗi không thể đứng vững, phải có Xuân Tóc Đỏ đỡ ông mới đứng được. Tưởng đó là nỗi đau rất thật, rất chân thành nhưng hành động dúi tiền vào tay Xuân Tóc Đỏ tờ tiền gấp làm tư đã vạch trần bộ mặt dối trá của ông Phán mọc sừng. Hành động đó còn thể hiện mưu tính một cuộc hợp tác doanh thương với Xuân tóc đỏ để kiếm lợi nhuận.
Còn đối với Tuyết – cô gái hư hỏng một nửa lại vui mừng vì mình sẽ được mặc những trang phục Tân thời, bộ quần áo ngây thơ, nửa kín nở hở cái áo dài voan mỏng, trong có cooc-sê trông như hở cả nách và nửa vú – nhưng mà viền đen, và đội một cái mũ mấm xinh xinh, khuôn mặt buồn lãng mạn rất đúng mốt một nhà có đám. Bộ quần áo ngây thơ Tuyết mặc để chứng minh mình không hư hỏng với thiên hạ, còn khuôn mặt buồn rất lãng mạn tưởng là nổi buồn do mất đi người thân nhưng thực tế lại là vi nhớ nhân tình – Xuân Tóc Đỏ khi mãi cô vẫn chưa thấy Xuân xuất hiện trong đám tang. Vẻ mặt bề ngoài và thực tế bên trong đã bị Vũ Trọng Phụng sử dụng lời lẽ châm biếm sâu cay vạch trần.
Cậu Tú Tân, khi nghe ông mất thì cứ điên người lên, vì chiếc máy ảnh mới mua của cậu sắp được đưa vào sử dụng. Trong lúc hạ huyệt trong bộ quần áo luộm thuộm, cậu bắt bẻ từng người chống gậy, gục đầu, cong lứng, lau mắt,… dường như cậu Tú Tân như một nhà đạo diễn đại tài để cho vở kịch đám tang đau buồn thêm phần hoàn hảo.
Min Đơ, Min Toa đang trong lúc buồn rầu vì không có việc gì làm, Buồn rầu như những nhà buôn sắp vỡ nợ được thuê tới giữ trật tự đám ma thì sung sướng cực điểm. Sư cụ tăng phú thì vênh váo, ngồi trên chiếc xe, có đám đông để đến đó thể hiện sự vui vẻ, tự hào về thành tích đánh đổ hội Phật giáo. Bạn thân cụ cố Hồng: có dịp được khoe các loại huân huy chương, các loại râu. Bề ngoài họ ai nấy đều cảm động, nhưng thực chất cảm động không phải vì thương xót cho người chết mà vì nhìn thấy làn da trắng thập thò trong làn áo voan trên cánh tay và ngực Tuyết. Đám giai thanh gái lịch bạn của bà Văn Minh, cô Hoàng Hôn và cô Tuyết,đại diện cho lớp trẻ: với vẻ ngoài che đậy bên ngoài buồn rầu, nghiêm chỉnh nhưng thực chất họ chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau… với những lời lẽ thô tục.
Xuân Tóc Đỏ xuất hiện đã hoàn chỉnh bức tranh đại hài kịch ấy. Giữa lúc đám tang đã đi, Xuân xuất hiện với vòng hoa đồ sộ, rồi ai nấy cũng hết sức cảm động về sự chu đáo của Xuân, khiến cho đám ma ấy thêm phần long trọng hơn. Nhưng đặc sắc nhất phải kể đến chi tiết sự phối hợp nhịp nhàng giữa ông Phán mọc sừng và Xuân Tóc Đỏ trong cuộc trao đổi, buôn bán. Tờ giấy năm đồng gấp làm tư ông Phán dúi vào tay Xuân, Xuân nhanh chóng nắm tay cho khỏi có người nom thấy một hành động hết sức chuyên nghiệp và thành thạo. Cuộc mua bán, trao đổi đã thành công và hứa hẹn sẽ có những lần giao thương lớn và thành công hơn nữa.
Đám cứ đi được nhắc lại hai lần như đậm tô, khắc sâu hơn nữa sự vô sỉ, nhẫn tâm của đoàn người ấy. Nó kéo dài mãi, không hề kết thúc, chỉ là có sự thay đổi khác nhau về mặt hình thức.
Với nghệ thuật châm biếm, trào phúng bậc thầy Vũ Trọng Phụng đã khắc họa từng chân dung, đặc sắc, riêng biệt với tiếng cười châm biếm sâu cay. Vạch trần bộ mặt giả dối của xã hội đương thời.
Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi