Soạn bài Chữ người tử tù
Soạn bài Chữ người tử tù
1. Có ý kiến cho rằng, trong tác phẩm Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã sáng tạo được một tình huống truyện độc đáo, giàu ý nghĩa. Anh (chị) có đồng ý với ý kiến đó không ? Vì sao ?
Trả lời:
Ở truyện Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã tạo nên một tình huống truyện độc đáo: một cuộc gặp gỡ có thể nói là “xưa nay chưa từng có” giữa Huấn Cao – người có tài viết chữ đẹp và viên quản ngục, thầy thơ lại – những người thích chơi chữ. Họ đã gặp nhau trong một hoàn cảnh thật đặc biệt: một bên là kẻ phản nghịch của xã hội đương thời, lĩnh án tử hình, sắp đến ngày hành quyết trước pháp trường (Huấn Cao) và một bên là những người thực thi pháp luật, có nhiệm vụ cai quản nhà tù, cai quản tù nhân (quản ngục và thầy thơ lại). Trên bình diện xã hội, họ ở hai phía đối lập nhau. Nhưng trên bình diện nghệ thuật, họ là những tri âm, tri kỉ của nhau – một người là nghệ sĩ sáng tạo nên cái đẹp, còn hai người kia là những người biết nâng niu, gìn giữ cái đẹp. Sự gặp gỡ giữa ba con người ấy tạo nên một tình huống truyện đầy kịch tính và chính tình huống truyện này đã khiến cho nhân cách, nhân phẩm của mỗi nhân vật được thể hiện một cách rõ nét, tự nhiên. Đồng thời, những nhân vật đó đã bổ sung cho nhau, cùng tô đậm chủ đề tác phẩm.
2. Anh (chị) cảm nhận như thế nào về đoạn văn miêu tả “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có” ở cuối truyện ?
Trả lời:
Đoạn cho chữ ở cuối truyện có thể xem là đoạn hay nhất, kết tinh nghệ thuật của toàn tác phẩm.
– Qua đoạn này, hình ảnh Huấn Cao càng trở nên uy nghi lẫm liệt, giữa “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”. Ở đây, thủ pháp đối lập được sử dụng một cách triệt để và đã mang lại hiệu quả to lớn. Ấy là việc cho chữ vốn là một việc thanh cao, một sáng tạo nghệ thuật với mực thơm, lụa trắng, nét chữ tươi tắn,… lại được diễn ra “trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”.
– Kì lạ hơn là sự đối lập giữa hình ảnh kì vĩ của người tử tù “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” chỉ sáng mai sẽ bị giải về kinh chịu án tử hình đang ung dung phóng bút tô những nét chữ tài hoa trên tấm lụa bạch như một nghệ sĩ hoàn toàn tự do, tự chủ,… với hình ảnh xo ro của thầy thơ lại “run run bưng chậu mực” và hình ảnh viên quản ngục “khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ”, rồi “vái người tử tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào : Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Chính sự đối lập dường như phi lí này đã tạo ra cảnh tượng mà tác giả gọi là “xưa nay chưa từng có”.
– Nhưng cái lạ hơn cả lại là ở chỗ : Thì ra, giữa chốn tù ngục bạo tàn, không phải những kẻ đại diện cho quyền lực thống trị làm chủ mà chính người tử tù bị xiềng, gông đang làm chủ. Đây là sự chiến thắng của cái đẹp, cái tài hoa và nhân cách cao thượng đối vói cái xấu xa, tàn bạo, thấp hèn.
3. Hãy nêu những đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn này.
Trả lời:
Một số đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm Chữ người tử tù:
– Sáng tạo tình huống truyện độc đáo. Nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc. Huấn Cao là nhân vật chính của tác phẩm, là hình tượng lộng lẫy toả sáng trong suốt thiên truyện. Tuy thế, số trang nhà văn trực tiếp nói về ông không nhiều. Có thể thấy, ít nhiều tác giả đã dùng nghệ thuật “vẽ mây nẩy trăng” để xây dựng nhân vật này. Chẳng hạn, gần ba trang đầu của tác phẩm, mặc dù tác giả chưa đế cho Huấn Cao trực tiếp xuất hiện, nhưng qua cuộc trao đổi giữa quản ngục và thầy thơ lại, người đọc vẫn có ấn tượng khá rõ về nhân vật Huấn Cao – vừa có “tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp”, vừa có “tài bẻ khoá và vượt ngục”.
– Ở tác phẩm này, Nguyễn Tuân đã rất thành công trong việc gọi lên không khí cổ kính của một thời đã cách xa hàng trăm năm, nay chỉ còn vang bóng. Có khi chỉ qua mấy dòng chữ, tác giả đã có thể lột tả được chính xác cái thần thái, cái linh hồn của một thời, “phục chế” sinh động ngôn ngữ, cử chĩ,… của những người chỉ còn trong màn sương truyền thuyết mờ ảo.
– Viết về một nhân vật, một vẻ đẹp đã qua, nay chỉ còn vang bóng, Nguyễn Tuân thường tạo cho câu văn có nhịp điệu thong thả, đĩnh đạc, từ tốn, nếu đọc vội, cứ tưởng như rề rà, diễn đạt cầu kì, rắc rối. Nhimg nghiền ngẫm kĩ mới thấy nhịp điệu cũng như kết cấu câu văn của Nguyễn Tuân đã góp phần không nhỏ gợi không khí cho truyện, tạo nên một sự cộng hưởng hài hoà, “phục chế” nhịp sống chậm rãi, đầy nghi lễ với tôn ti trật tự chặt chẽ của một thời phong kiến ngưng đọng đã qua. Những câu văn mở đầu thiên truyện là một ví dụ tiêu biểu.
– Đồng thời, khá nhiều đoạn văn trong chữ người tử tù giàu chất hội hoạ, đến mức theo Vũ Ngọc Phan “có thể làm đầu đề cho những hoạ sĩ nào ưa vẽ những cảnh đặc Việt Nam”. Đoạn tả cảnh cái gông hay đoạn tả cảnh trại giam vào buổ: tối cũng có thể coi là một đoạn khá tiêu biểu về chất hoạ (và cả chất nhạc) trong văn chương.
– Ngoài ra, trong tác phẩm này, Nguyễn Tuân đã thành công khi sử dụng bút pháp đối lập. Rõ nhất là đoạn Huấn Cao cho chữ ở cuối tác phẩm.
4. Có thể nói trong truyện ngắn Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã “phục chế” rất thành công không khí của thời xa xưa. Anh (chị) hãy chứng minh.
Trả lời:
Trong truyện ngắn Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã “phục chế” rất thành công không khí của thời xa xưa:
– Trước hết, ông đã tạo được những câu văn, đoạn văn có nhịp điệu rất từ tốn chậm rãi và sử dụng dày đặc, chính xác hệ thống từ cổ một cách phong phú chọn lọc, đảm bảo độ chính xác tuyệt vòi,… Đoạn đầu của tác phẩm là một ví dụ tiêu biểu.
– Bên cạnh đó, tác giả miêu tả những nhân vật của một thời đại đã qua, nay chi còn vang bóng, bằng những chi tiết chọn lọc thường chỉ thấy ở thời xa xưa, từ tên gọi (ngục quan, thầy thơ lại, ngục tốt, thằng thập,…) đến việc làm (“Thầy thơ lạ: rút chiếc hèo hoa ở giá gươm, phe phẩy roi, đi xuống phía trại giam tối om”), lố: cư xử trong cuộc sống thường nhật và cách họ nói năng với nhau…
– Ngoài ra, nhà văn cũng đã tìm được những chi tiết, những hình ảnh đích đáng để khắc hoạ chính xác thần thái cảnh vật của một thời đã qua. (Chẳng hạn : “Nai góc án thư vàng đã nhợt, son đã mờ, đĩa dầu sở trên cây đèn nến vơi lần mực dầu. Hai ngọn bấc lép bép nổ, rụng tàn đèn xuống tập giấy bản đóng dấu son ti Niết”…).
Điều đáng lưu ý là tất cả những thủ pháp vừa nêu không chỉ là sự lựa chọn từ ngữ, chi tiết công phu, chính xác mà còn chứng tỏ sự hiểu biết cặn kẽ của nhà văn về lịch sử tổ chức xã hội, văn hoá, phong tục của thời xưa.
– Hơn nữa, nhà văn đã “phục chế” không khí cổ xưa bằng kĩ thuật hiện đại. Chẳng hạn, người đọc có thể bắt gặp trong tác phẩm không ít những chi tiết tả thực (như đoạn tả những người tử tù bị giải vào trại giam) hay những đoạn miêu tả tâm lí nhân vật (những “bận tâm” vì nghĩ đến sự tươm tất của quản ngục ; nỗi “khổ tâm nhất” của quản ngục khi “có một ông Huấn Cao trong tay mình, dưới quyền mình mà không biết làm thế nào mà xin được chữ”…)
5. Anh (chị) hiểu gì về hình tượng Huấn Cao trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân và mối liên hệ giữa nhân vật này với bản thân tác giả ?
Trả lời:
Theo yêu cầu của đề, bài viết phải có hai phần :
– Phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao.
– Nói rõ mối quan hệ giữa tác giả và nhân vật này
Việc phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao phải căn cứ vào văn bản cụ thể. Việc nói rõ mối liên hệ tinh thần giữa tác giả và tác phấm cũng phải có căn cứ xác thực. Đó là các tài liệu về văn học sử, những bài viết về cuộc đời và khuynh hướng tư tưởng của tác giả, về những tác phẩm khác của Nguyễn Tuân. Tránh những suy diễn chủ quan thiếu căn cứ cụ thể.
– Hình tượng nhân vật có thể có nhiều phẩm chất, nhưng cần lựa chọn những phẩm chất tiêu biểu nhất để bài viết có trọng tâm nổi bật. Có thể là :
+ Tinh thần vì nghĩa lộn, dám đứng lên chống áp bức, bất công.
+ Cung cách sống tài hoa : Viết chữ đẹp, cư xử phong nhã, hào hiệp.
– Những phẩm chất ấy cũng là ước mong, khát vọng của Nguyễn Tuân :
+ Một nhà văn có tinh thần dân tộc, từng ao ước một cuộc sống tự do, phóng khoáng.
+ Một con người tài hoa và yêu thích những cuộc đời tài hoa, có khi chỉ còn là những tài hoa vang bóng một thời.
– Khi liên hệ, lời lẽ cần có mức độ, tôn trọng tính xác thực lịch sử. Trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân là nhà văn có tinh thần dân tộc, nhưng chưa phải là một chiến sĩ cách mạng, chưa phải là một nhà văn có ý thức rõ rệt phải dấn thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhận rõ như vậy để không suy diễn thiếu khách quan về phẩm chất của nhà văn.
Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi