1. Cảm nhận của anh (chị) về con người Nguyễn Trãi trong bài thơ Cảnh ngày hè. 2.Nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ Cảnh ngày hè. 3. Ý nghĩa tư tưởng chủ đề cúa bài thơ Cảnh ngày hè
1. Là tiếng nói của tâm hồn thi nhân, thơ ca in bóng nhà thơ vào trong mỗi tác phẩm. Cảnh ngày hè cũng vậy. Tuy tác giả không trực tiếp miêu tả con người mình nhưng chính sự “bày tỏ”, “giải bày” của nhà thơ đã làm hiện lên con người tinh thần, con người cốt cách Nguyễn Trãi. Có thể nhận thấy con người Nguyễn Trãi trong Cảnh ngày hè với những đặc điểm:
Có tình yêu tha thiết với thiên nhiên:
+ Cảm nhận, khám phá, thưởng thức và miêu tả thiên nhiên bằng nhiều giác quan khác nhau: xúc giác (hóng mát), thị giác (miêu tả màu xanh của hòe, đỏ của lựu và hồng của sen), khứu giác (mùi thơm của hoa sen), thính giác (tiếng lao xao của chợ cá, tiếng ve).
+ Nguyễn Trãi cảm nhận, miêu tả thiên nhiên và cuộc sống con người với một sức sống tràn đầy. Điều đó cho thấy một tâm hồn khát sống, yêu đời mãnh liệt và tinh tế, giàu chất nghệ sĩ của thi nhân.
– Có niềm khao khát, ước mong cao đẹp:
+ Đắm mình trong cảnh ngày hè, tác giả mơ ước có cây đàn của vua Thuấn, gảy khúc Nam phong cầu cho “Dân giàu đủ khắp đòi phương”, bộc lộ nỗi niềm sâu kín, thể hiện sự băn khoăn, trăn trở, lo toan cho đời sống nhân dân?
+ Lấy vua Nghiêu, vua Thuấn làm “Gương báu răn mình”, Nguyễn Trãi đã bộc lộ chí hướng cao cả: khao khát đem tài trí của mình để thực hành tư tưởng nhân nghĩa yêu nước, thương dân.
2. Cảnh ngày hè là bài thơ có giá trị nghệ thuật đặc sắc.
– Sử dụng ngôn ngữ:
+ “Quốc âm” thể hiện được vai trò của nó trong một tác phẩm nghệ thuật, tác giả sử dụng các từ ngữ thuần Việt làm cho ngôn từ bài thơ dung dị, gần gũi, dễ hiểu.
+ Sử dụng các từ láy gợi hình ảnh, sự chuyển vận… như: đùn đùn, lao xao, dắng dỏi… làm cho bức tranh cảnh ngày hè hiện lên sống động, đầy màu sắc.
– Sáng tạo trong việc vận dụng thể loại thơ Đường luật:
+ Câu lục ngôn xen trong bài thơ thất ngôn.
+ Cách ngắt nhịp câu thơ ở câu thơ 3, 4 khác hẳn với lối ngắt nhịp của thơ Đường luật. Cách ngắt nhịp cho thấy sự sáng tạo, nhấn mạnh đến cảnh vật, gây sự chú ý:
Thạch lựu hiên / còn phun thức đỏ Hồng liên trì / đã tiễn mùi hương.
Bố cục bài thơ phân bô’ theo cấu trúc sự cảm nhận của các giác quan: câu 1 (xúc giác), câu 2, 3 (thị giác), câu 4 (thị giác và khứu giác), câu 5, 6 (thính giác), câu 7, 8 (cảm xúc tổng hợp).
3. Cảnh ngày hè thể hiện những rung động trữ tình trước cảnh thiên nhiên ngày hè và khao khát sự no ấm cho muôn dân. Đó là những biểu hiện cụ thể của tư tưởng lớn xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Trãi: tư tưởng nhân nghĩa, tư tưởng yêu nước thương dân.
Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi